Giới tập gym đang xôn xao khi mà trong một thời gian ngắn, hai hệ thống phòng gym ở TP.HCM là Fit24 và Getfit Gym & Yoga tuyên bố tạm đóng cửa, dừng hoạt động. Không chỉ là những vấn đề liên quan đến các gói tập dài hạn đóng tiền trước chưa biết giải quyết ra sao, mà phía sau còn là các hệ lụy từ sự nở rộ của gym, một trong những môn thể thao đô thị có sự phát triển vũ bão cách đây 5 năm.
Chưa nhìn nhận sự việc các chuỗi phòng gym đóng cửa là một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo hay không, chỉ riêng ở góc độ tập luyện thể thao cũng đã có những lỗ hổng không nhỏ. Gym là một hoạt động kinh doanh có điều kiện với “giấy phép con” do cơ quan quản lý về thể thao cấp vì đây là được xem là lĩnh vực tập luyện thể chất. Các cơ sở phải hội đủ các yêu cầu về không gian, đội ngũ y tế tại chỗ, HLV có chứng chỉ, bằng cấp của ngành thể thao…
Nhưng đâu mới là đơn vị giám sát hoạt động kinh doanh của các phòng gym? Vì khi có đủ giấy phép, thì các phòng, hệ thống này lại hoạt động như một đơn vị kinh doanh. Để trả lời câu hỏi này, thì lại cần làm rõ phòng tập gym là một “cơ sở thể thao” hay không?
Thực tế thì ngoài những hệ thống phòng tập lớn, có thương hiệu còn có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phòng tập quy mô nhỏ trong các khu dân cư và đặc biệt phổ biến tại đô thị lớn, rất khó kiểm tra, giám sát.
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ là các phòng gym mà hiện nay số lượng phòng tập kick-boxing, yoga, fitness… cũng đang nở rộ. Trước đây, những môn này được mở tại các trung tâm thể thao nên việc quy giám sát hay quy trách nhiệm cũng đơn giản. Còn hiện nay, kể cả khi ngành thể thao có muốn giám sát thì chắc chắn là không thể. Ngay chất lượng thiết bị, trình độ HLV, thiết bị y tế và cả lộ trình, phương pháp tập có có đúng và phù hợp với quy mô cơ sở hay không cũng rất khó nắm bắt.
Câu chuyện từ các phòng gym cho thấy các môn thể thao đô thị tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh nhưng cũng là thách thức về mặt quản lý và bài học từ gym cho thấy nếu không chặt chẽ từ đầu thì trước hết sẽ lãng phí cơ hội chuyển sự phát triển phong trào thành các hiệu quả ở phần đỉnh cao. Ví dụ như sự việc vừa qua ở 2 hệ thống gym kia liệu có khiến cho môn này mất đi thiện cảm trong mắt người chơi thể thao?
Nói như vậy vì sức lan tỏa của môn mới pickleball hay việc “nhà nhà chạy marathon” đã cho thấy sức sống của thể thao đô thị, khi nhu cầu về rèn luyện sức khỏe là rất lớn trong bối cảnh diện tích đất thể thao trên đầu người luôn có xu hướng thu hẹp dần.
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh, dự kiến đến 2030 sẽ có thêm gần 10 thành phố trực thuộc trung ương, các môn thể thao đô thị chắc chắn sẽ là những lựa chọn của người dân nhờ các yếu tố cá nhân hóa hay đơn giản về tập luyện.
Nhưng nở rộ, có cộng đồng người chơi lớn, chưa chắc là đã hình thành nên một môn thể thao có tính đột phá về đẳng cấp nếu không có định hướng từ những người quản lý thể thao.
Khi đó, ai cũng “làm” giải, VĐV cao cấp thì ít nhưng góp mặt ở nhiều giải khác nhau, rất khó có những đột phá về thành tích. Những nhà tổ chức nhìn thấy cơ hội kinh doanh nhiều hơn là các yếu tố thể thao. Và nếu để xảy ra các sự việc kiểu như ở gym, thì sẽ khiến phong trào chung bị ảnh hưởng.
Xu hướng chung của thể thao thế giới cũng đang phát triển các môn thể thao đô thị, đặc thù của các môn này là dễ tạo ra trào lưu nhưng cũng vì thế sẽ khiến cho ngành thể thao bị “quá tải” trong việc quản lý và định hướng phát triển.