Bản thảo truyện

Nhìn lại gần đây, nếu Trần Đức Tiến kể bạn nghe thế nào là “làm mèo” (Làm mèo), Lý Lan nói bạn hay về “trư phẩm” (Tự truyện một con heo), Nguyễn Nhật Ánh khẳng định rằng chuột cũng có “tính chuột” (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ)… thì Những con mèo sau bức tường hoa của Hà Mi tiếp nối dòng chảy văn học thiếu nhi viết về… mèo, nhìn thế giới qua đôi mắt… mèo. Mặc dù cô không gọi tên trực tiếp, nhưng người đọc vẫn nhận ra “miêu phẩm” được thể hiện hết sức sinh động.

Truyện được kể bằng ngôn ngữ trẻ thơ

Viết về mèo tưởng dễ mà không dễ. Tưởng dễ vì, trong thế giới loài vật, mèo là loài hiền lành, gần gũi, đáng yêu bầu bạn với con người, nhất là trẻ em. Đôi mắt tròn xoe, bộ lông mềm mại, cơ thể ấm áp, thích được cưng nựng yêu chiều, tiếng meo khiến người phải mềm lòng… mèo hội đủ tính chất của loài vật làm mềm ấm cả thế giới, khiến trong thời kỳ hiện đại, khi con người đối mặt với nỗi cô đơn, bầu bạn có thể chỉ là… một con mèo.

Khi thế giới được nhìn qua đôi mắt… mèo - Ảnh 1.

Nhưng cũng chính vì vậy, viết về mèo khó. Bước chân mèo mềm mại đã in dấu trong khắp các tác phẩm trên thế giới lẫn trong nước, làm thế nào để lại một dấu ấn mèo, dù bé xíu thôi, neo lại trong lòng người đọc? Hà Mi đã làm được điều đó, không chỉ kể chuyện mèo từ góc nhìn của loài mèo, mà còn bằng ngôn ngữ trẻ thơ với tính tự nhiên chân thật.

Sức hấp dẫn của Những con mèo sau bức tường hoa không nằm ở cốt truyện quá ly kỳ với những biến cố, xung đột nảy lửa, mà trong những câu chuyện giản đơn về một thế giới mèo gần gũi, đáng yêu có thể ở bất cứ gia đình nào, chỉ cần bạn quan sát, để tâm một chút, sẽ thấy bao điều thú vị. Cách kể chuyện ấy đã dỡ bỏ được bức rào giữa người lớn và trẻ thơ, mà khá nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi không vượt qua được. Người đọc – trẻ em có thể đọc và mỉm cười một mình trong thế giới các bạn mèo, ham ăn, cãi cọ, hậu đậu… như gặp lại chính mình.

Hệ thống nhân vật… mèo sinh động, đáng yêu

Hà Mi đã kể câu chuyện về không phải một, mà tới sáu bé mèo sau bức tường hoa, sống với gia đình ông bà Bắp Cải. Cô đã khắc họa sinh động chân dung các bé mèo để khi đọc xong, người đọc vẫn thấy hiện ra một Cục Mỡ béo ú ham ăn lười vận động hễ tí là khóc nhè nhưng vô cùng tốt bụng cùng tình bạn của chú với chuột tí hon, một nữ hoàng Sasa đẹp đẽ sang chảnh nhưng thật ra là một bà mẹ mất con giàu lòng trắc ẩn, một Coco mèo-sợ-chuột vụng về hỏng việc nhưng trung thực chân thành, một mèo Fufu bác học phát minh ra hệ thống tiền tệ mèo, một mèo Tom mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu để mang một mẩu thức ăn về cứu sống bạn, một bé Lulu nhỏ bé ai cũng muốn chở che, bảo vệ…

Khi thế giới được nhìn qua đôi mắt… mèo - Ảnh 2.

Dù là mèo nhà hay mèo hoang, bắt chuột hay không, thỉnh thoảng gây gổ cãi cọ làm tổn thương nhau, nhưng đều biết yêu thương che chở. Hình ảnh ở cuối truyện, Cục Mỡ bình thường ham ăn là thế, bị các bạn nói đến phát khóc bỏ đi, nhưng vẫn xin một cây ‘chúc chích’ về chia cho bảy đứa (bảy đứa gồm sáu mèo và một… chuột, dĩ nhiên rồi), bằng lòng ăn sau với một mẩu ‘chúc chích’ bé xíu khiến người đọc không khỏi cảm động vì tình… mèo.

Sự đáng yêu của các bạn mèo không chỉ chinh phục bà Bắp Cải, mà còn thay đổi cả ông Bắp Cải, từ chỗ khó chịu với lũ mèo vì chúng làm mọi thứ lộn xộn, chiếm chỗ ngủ của ông, thiếu quan tâm khiến cả lũ bị đói, đến chỗ khởi đầu một tình bạn mới.

Dưới góc nhìn… mèo, con người hiện ra với cả những hạn chế lẫn đáng yêu, nhưng cơ bản là đáng yêu, tràn đầy tình người ấm áp. Ông bà Bắp Cải đã cho các bạn mèo một mái ấm yêu thương đúng nghĩa.

Những bài học làm… mèo

Một trong những chức năng của văn học là giáo dục, nhưng không phải bằng những giáo điều khô khan, mà là tác động đến cảm xúc thẩm mĩ. Viết cho thiếu nhi, lại càng cần giản dị, tự nhiên, dễ tiếp nhận.

Trong Những con mèo sau bức tường hoa, Hà Mi cũng lồng ghép khéo léo những thông điệp về lòng yêu thương, chung sống, tôn trọng khác biệt, ứng xử văn hóa, lòng trung thực… nhưng không hề khiên cưỡng. Hà Mi chỉ đơn thuần là kể lại những câu chuyện, rút ra được gì từ câu chuyện ấy là tùy tiếp nhận của người đọc.

Bạn nghĩ gì về một con mèo làm bạn với một con chuột, chia sẻ thức ăn cho nó, vì đó là một con chuột mất mẹ, trong giây phút nguy khốn nhất đã bật ra tiếng gọi mẹ ơi, như bất kỳ ai trong chúng ta?

Khi thế giới được nhìn qua đôi mắt… mèo - Ảnh 4.

Mèo Tom trở thành mèo-siêu-anh-hùng chỉ vì dám lên tiếng trước lũ chó tè bậy, chống lại kẻ bắt nạt, thì ra bạn có thể trở thành siêu anh hùng từ những hành động nhỏ bé nhất như vậy.

Cục Mỡ ham ăn là thế, nhưng sẵn sàng chia phần thức ăn hiếm hoi có được cho bạn bè khi đói. Coco sợ chuột, hậu đậu leo cây không xuống được, bị ong đốt sưng mũi, chui đầu qua cổng bị mắc kẹt, nhưng trở thành tấm gương sáng vì sự trung thực của cậu, mà theo đúc kết của giáo sư mèo Fufu thì: “Mèo cũng phải có lòng tự trọng của mèo. Coco của chúng ta đã rất thông minh khi lựa chọn tính trung thực thay vì chọn cách lấy túi tiền của bà cụ. Túi tiền ấy có thể mua cho nó nhiều cá viên chiên, “chúc chích”, nhưng không thể mua được lòng yêu quý và tôn trọng của người khác”…

Những tấm-gương-mèo gần gũi và chân thực có sức lan tỏa lớn, thế giới nhìn qua mắt mèo tràn đầy tình mèo. Lòng yêu thương là cội nguồn của mọi sự gắn kết mèo – mèo, mèo – người và gắn kết vạn vật trên thế gian.

Trong chừng 170 trang sách nhẹ nhàng, Hà Mi đã đưa người đọc – trẻ em vào một thế giới sống động tràn đầy vẻ đẹp yêu thương hồn nhiên. Khép lại tác phẩm là hình ảnh về ngôi nhà sau bức tường hoa đẹp đẽ yên bình: “Có sáu con mèo đang thong dong phơi nắng cạnh những bụi hoa trong vườn. Một con phơi bụng phệ nằm ngủ ở xó bếp, một con bận rình chim sẻ ngoài vườn, một con thong thả chải lông bên bậu cửa sổ, một con đủng đỉnh ngắm mây, một con mải mê đọc sách, con bé nhất tung tăng đuổi bướm. Cả khu vườn như một bức tranh đầy hoa và mèo”. Thế giới của yên bình, ấm áp, yêu thương. Đó là thế giới Hà Mi muốn kiến tạo cho trẻ em, và chúng ta cũng vậy.

Nói tóm lại, trong thế giới người lớn, thường loài người được đặt ở vị trí trung tâm, theo đó các loài được nhìn nhận, đánh giá qua tri kiến của người. Nhưng dưới đôi mắt trẻ thơ, vạn vật tồn tại theo cách riêng, từ đó mà có những góc nhìn mới mẻ không ngờ, nhìn ra bản chất của sự tồn tại. Văn học thiếu nhi không ngừng đặt ra, truy vấn bản chất của sự tồn tại đó từ cái nhìn ngộ nghĩnh hồn nhiên. Nếu bạn đã quen nghe những vấn đề lớn tưởng chỉ được đặt ra ở thế giới con người như: làm người, nhân phẩm, tính người… thì các nhà văn viết cho thiếu nhi sẽ cho thấy… thế giới loài vật cũng đặt ra những vấn đề ấy.

Bối cảnh Những con mèo sau bức tường hoa là ông bà Bắp Cải nuôi 6 con mèo: Sasa, Lulu, Fufu, Tom, Cục Mỡ, Coco. Vợ chồng này ban đầu chẳng thích gì mèo, nhưng từ một dịp tình cờ mà miễn cưỡng nuôi, rồi trở nên gắn kết. Mỗi con mèo một tính cách, biết yêu, ghét, buồn, thương… Sau thời gian đủ dài để tìm hiểu lẫn nhau, họ đã thành một gia đình biết cảm thông, chia sẻ.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *