Lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, các kình ngư TPHCM đã thành công trong việc vươn lên chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng toàn đoàn ở giải vô địch bơi quốc gia.

Các kình ngư TPHCM chiếm ưu thế

Khác biệt so với nhiều mùa giải gần đây, đoàn TPHCM đã có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ vào dàn lực lượng đang bước vào độ chín chuyên môn và có khả năng cạnh tranh cao ở nhiều nội dung. Đặc biệt với nhóm chủ lực gồm Nguyễn Diệp Phương Trâm, Nguyễn Khả Nhi, Trần Duy Khôi và Lương Jeremy có phong độ cao, các kình ngư TPHCM đã giành tổng số 15 HCV, 9 HCB, 9 HCĐ để giành ngôi số 1 toàn đoàn. Trong số này, có 4 HCV cá nhân nam, 4 HCV cá nhân nữ và 7 HCV ở các nội dung tiếp sức.

Điểm sáng về thành tích của các kình ngư TPHCM là kỷ lục quốc gia mới ở các nội dung, tiếp sức 4x100m tự do nam nữ với thành tích 3 phút 36 giây 39 (kỷ lục cũ kỷ lục cũ 3 phút 39 giây 04), 4x100m hỗn hợp nam nữ với 4 phút 2 giây 11 (kỷ lục cũ 4 phút 2 giây 13), 4x100m hỗn hợp nữ 4 phút 17 giây 63 (kỷ lục cũ 4 phút 20 giây 32), 4x100m tự do nữ, 4x100m tự do nam. Ngoài ra, Nguyễn Diệp Phương Trâm là cá nhân nổi bật nhất với 4 HCV ở các nội dung của nữ gồm 200m ngửa, 100m ngửa, 50m ngửa, 50m bướm.

TPHCM vươn mình mạnh mẽ ở giải bơi quốc gia - Ảnh 1.

Về kết quả chuyên môn toàn giải, nhìn chung, các tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Quang Thuấn của nam hay Võ Thị Mỹ Tiên của nữ vẫn chiếm ưu thế so với nhóm kinh ngư còn lại và tạo được sự khác biệt đáng kể về thành tích. Dù vậy, các thông số chuyên môn hầu như không có đột phá, toàn giải chỉ có duy nhất 1 kỷ lục quốc gia cá nhân mới do Phạm Thanh Bảo thiết lập ở nội dung 50m ếch với thành tích 27 giây 70.

“Nhìn chung các kình ngư chủ lực của các đoàn như TPHCM, Quân Đội, Long An, Bến Tre và Quảng Bình đều khẳng định được vị trí ở đấu trường trong nước với các cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Dù vậy, thực tế là không xuất hiện thành tích thực sự đột phá. Với nhóm kế cận, nổi lên có Nguyễn Quốc (Đà Nẵng) hay Thúy Hiền (Quân đội) nhưng thông số chuyên môn không có sự khác biệt quá lớn”, bà Lê Thanh Huyền, Phụ trách môn Bơi, Cục TDTT, đánh giá.

Vẫn lo cho SEA Games 33

Giải đấu quan trọng nhất của một trong hai môn cơ bản (bơi và điền kinh) của thể thao Việt Nam đã khép lại với cuộc lật đổ của TPHCM trước kình địch Quân đội sau một thập kỷ bám đuổi. Tuy nhiên nhìn rộng hơn, khi không xuất hiện thêm nhiều gương mặt tiềm năng có thành tích đột phá, điều này đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh trên đường đua xanh tại SEA Games 33 tiềm ẩn nhiều thách thức thức với kình ngư Việt Nam.

So sánh với các kỳ giải trong nước gần đây hoặc đại hội thể thao khu vực, có lẽ, đội tuyển quốc gia vẫn đặt hi vọng vào 3 gương mặt quen thuộc đóng vai trò chủ lực như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo. Nhóm một số gương mặt mới nổi như Võ Thị Mỹ Tiên hay Nguyễn Thúy Hiền có thể thống trị đường đua trong nước nhưng rất khó để tạo nên bất ngờ ở cuộc thi đấu trong khu vực.

Với thực tế này, khách quan cho thấy, để bảo vệ thành tích giành 7 HCV như tại SEA Games 32 là nhiệm vụ đầy thách thức với các kình ngư Việt Nam. Lúc này, Singapore, Thái Lan, Indonesia đều có sự đầu tư rất mạnh trong đào tạo, huấn luyện và lực lượng có chuyển biến, trong khi, đội tuyển bơi quốc gia vẫn là các gương mặt quen thuộc và thành tích có dấu hiệu chững lại.

“Chúng tôi đã tiến hành thương thảo với chuyên gia ngoại để dẫn dắt đội tuyển quốc gia kể từ đầu năm 2025. Thực tế, đấu trường phù hợp nhất với môn bơi vẫn chỉ là SEA Games nhưng áp lực là không nhỏ bởi lực lượng chủ chốt đang ngày một lớn tuổi hơn. Sự thay đổi về phương pháp huấn luyện được kỳ vọng cải thiện thành tích cho nhóm kình ngư này, đủ khả năng tranh chấp ở Thái Lan vào cuối năm tới”, theo bà Lê Thanh Huyền.

Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 2 khóa IX nhiệm kỳ 2024-2029 của Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam (VASA) vừa diễn ra tại Đà Nẵng đã thống nhất bầu ông Phạm Hồng Lĩnh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty khí Việt Nam) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch.

Trước đó, tại đại hội khóa IX diễn ra vào tháng 6/2024, VASA đã không bầu được chức danh chủ tịch và ông Đinh Việt Hùng được giao vai trò Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng thư ký kể từ thời điểm đó tới nay. Ban chấp hành của VASA khóa IX có 27 ủy viên, trong đó có 10 ủy viên ban thường vụ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *