Gần như không có môn chơi nào ở Việt Nam mà thành tích quốc tế của các nữ VĐV lạikém hơn các đồng nghiệp nam, đó chắc chắn không phải là một điều bình thường trong bối cảnh mà như nhiều nơi trên thế giới, các nữ VĐV của chúng ta cũng chịu thiệt thòi nhiều so với nam.

Vì thế mà đây là chuyện nên nói đến sau ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Bởi trên thực tế, một câu chuyện sống động về thể thao nữ ở Việt Nam có lẽ cũng không thể nào tránh được những trải lòng không thể vui của các nữ VĐV khi họ vẫn đang ở trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Và nếu đặt điều đó bên cạnh các thành tích quốc tế của họ, thì lại càng dễ ngậm ngùi hơn. Chuyện liên quan đến cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi mới đây là một lát cắt như vậy.

Nhưng không thể phủ nhận, các cô gái Việt Nam gần như tiếp cận đủ các môn thể thao đỉnh cao, đó là một sự may mắn cho nền thể thao. Tỷ trọng đóng góp thành tích của VĐV nữ ở các giải đấu, sự kiện quốc tế luôn cao hơn VĐV nam, chưa kể các cột mốc ở Olympic, ASIAD hay tại những giải vô địch thế giới.

Điển hình như bóng đá nữ. Chưa có môn thể thao nào ở Việt Nam có tạo được sự thống trị khu vực, đạt đẳng cấp nằm trong tốp 6 châu Á một cách lâu bền, cùng với triển vọng dự World Cup thường xuyên, như bóng đá nữ Việt Nam cả.

Thế nhưng, nghịch lý là chúng ta vẫn chưa có một giải chuyên nghiệp thực thụ, thậm chí cũng chưa tạo ra được 2 hạng đấu theo mô hình kim tự tháp. 30 năm qua, nhiều lắm cũng chỉ có 8 đội dự giải vô địch quốc gia. Tại sao vậy?

Chuyện sau ngày 20/10: Cường quốc thể thao nữ, tại sao không? - Ảnh 1.

Một ví dụ khác, là bóng chuyền. Ngoài các giải đấu tương tự như nam, thì các cô gái chân dài của Việt Nam có đến 2 giải quốc tế riêng (Cúp VTV9 – Bình Điền Long An và Cúp VTV) đều có tuổi đời gần 20 năm. Sức hút của các giải này khá tốt, có lượng khán giả riêng và nhờ thế, thành tích của bóng chuyền nữ Việt Nam cũng đã vượt qua bóng chuyền nam khá xa. Vấn đề là những gì đang có ở bóng chuyền nữ lại chưa xảy ra ở nhiều môn khác, bao gồm cả bóng đá nữ. Tại sao không có những series Tour dành cho nữ ở billiards, golf, cầu lông, bóng rổ… khi mà sức hấp dẫn của nó có lẽ cũng đâu kém bóng chuyền?!

Phải chăng nguyên nhân nằm ở chỗ chúng ta chưa hề xác định thể thao nữ là trọng tâm của chiến lược vươn tầm. Hay mơ mộng hơn, đó là định hướng trở thành một cường quốc thể thao nữ, ít nhất là tại khu vực châu Á, nơi mà chúng ta gần như đã có những nhà vô địch ở phần lớn môn đỉnh cao hiện nay.

Như đã nói, thể thao Việt Nam may mắn khi có lực lượng VĐV tiềm năng ở thể thao nữ rất nhiều nhờ sự thông thoáng của xã hội Việt Nam cũng như nguồn ngân sách TƯ và địa phương đều có phân bổ cho thể thao nữ. Nghĩa là nhà quản lý không cần phải vận động thì vẫn có VĐV để đào tạo. Ngoài ra, các tổ chức chính trị và xã hội trong lĩnh vực bình đẳng giới cũng nhiều, và câu chuyện thành công của nữ VĐV luôn được coi trọng, đó là nguồn kết nối tài chính rất tốt mà thể thao nam không có được.

Về lý thuyết, cần có một chiến lược tầm cỡ thì mới có những bước đi hiệu quả trong việc phát triển thể thao nữ thay vì chỉ kỳ vọng vào nỗ lực vượt khó của các cô gái.

Nói gì thì nói, dù đang có sự chênh lệch về sự đãi ngộ so với thể thao nam, nhưng khoảng cách ấy không quá lớn do tại Việt Nam đa số các môn đều chưa chuyên nghiệp. Nghĩa là thể thao nữ có xuất phát điểm không tệ nếu bây giờ chúng ta có một tầm nhìn lớn hơn cho họ. Có như vậy thì đến mỗi dịp 20/10 sẽ bớt đi những câu chuyện tủi thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *